Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Quảng bá du lịch Việt Nam-thiếu một tầm nhìn.

Năm nay, ngành du lịch được mùa cấp vốn quảng bá, xúc tiến với con số kỷ lục: 53 tỷ đồng, trong đó 30 tỷ đồng được Chính phủ cấp "nóng" từ tháng 6. Tuy nhiên, việc chọn lựa các hình thức quảng bá của ngành này đang gây nhiều quan ngại.

Không biết đã có một cơ quan hay tổ chức nào thực hiện công trình nghiên cứu nghiêm túc, để chỉ ra được khách du lịch quốc tế biết đến Việt Nam qua kênh thông tin nào là chủ yếu. Nhưng, ngành du lịch năm nay vẫn tiếp tục chi một khoản tiền không nhỏ để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên một số kênh truyền hình nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng sự chọn lựa này chưa hợp lý.

Theo vết xe đổ

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc chi nhánh Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Hà Nội thì, việc chi 4,7 tỷ đồng quảng bá du lịch trên kênh truyền hình CNN khu vực châu Á năm ngoái là “bước đi sai lầm”. Người dân châu Á không xem kênh truyền hình này để đi du lịch.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch (VHTT-DL) lại giao cho Cục Hợp tác quốc tế chủ trì, tiếp tục tìm hiểu việc quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền hình NHK, CCTV và một tờ báo lớn của Nga, khẩn trương đàm phán với các hãng truyền hình nước ngoài như Fashion TV, Arirang, Discovery để quảng bá.

Trong cuộc họp với lãnh đạo ngành du lịch cách đây ít lâu, ông Lê Đình Tuấn, đại diện Công ty Du lịch Tân Hồng đã đề nghị, Tổng cục du lịch (TCDL) nên thay việc quảng cáo điểm đến Việt Nam trên truyền hình bằng cách tổ chức các sự kiện để đạt hiệu quả cao hơn. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH JTB - TNT Nguyễn Văn Tấn: “Cơ quan quản lý du lịch nên cùng doanh nghiệp tiếp thị trực tiếp với một số tập đoàn lữ hành nước ngoài, để thu hút khách du lịch”.

Nhưng xem ra những đề xuất này, theo các DN, không đến được lãnh đạo Bộ. Bằng chứng là sau một thời gian tìm hiểu khá ngắn, phương án quảng cáo trên BBC đã được Bộ VHTT - DL nhất trí. Còn các roadshow tại Australia, Trung Quốc, Đài Loan có thể sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Một số chuyên gia nước ngoài đánh giá, CNN hay BBC là hai kênh thời sự chính trị nổi tiếng, song, để lựa chọn điểm đến, khách du lịch thường xem Discovery, Geographic nhiều hơn.

Chọn mặt gửi vàng

Ông Lưu Đức Kế cho rằng, trong thời gian khủng hoảng kinh tế như hiện nay, Bộ VH - TT - DL cần sáng suốt trong việc lựa chọn cách quảng bá du lịch. “Nên “chọn mặt gửi vàng” để không tiêu hoang nguồn kinh phí mà Chính phủ cấp cho ngành du lịch. Để làm được điều đó, Bộ phải lắng nghe ý kiến của DN một cách có chọn lọc, học hỏi kinh nghiệm quảng bá của Thái Lan", ông Kế nói.

Giám đốc một hãng lữ hành tại TP HCM chia sẻ: "Chúng tôi bỏ tiền tổ chức một gian hàng nhân hội nghị khách hàng thường niên của một đối tác nước ngoài. Bằng cách này chúng tôi vừa được tiếng là hỗ trợ "chủ nhà", vừa quảng bá du lịch Việt Nam và bán được các tour của mình. Chúng tôi đã học từ cách làm này từ các tập đoàn lữ hành lớn và thực tế rất hiệu quả".

Ngoài quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, Bộ VH - TT - DL cần mạnh dạn hỗ trợ một số doanh nghiệp du lịch nước ngoài quảng bá Việt Nam, vì đây là kênh rất hiệu quả. “Bởi trước khi bỏ chi phí, công sức quảng bá một điểm để bán được tour, doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải tính sao cho đạt lợi nhuận cao nhất", ông Kế phân tích.
Cuối năm ngoái, Bộ VH - TT - DL vạch ra mục tiêu năm 2008 đón 4,8 - 5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,7 - 19% so với 2007). Nhiều doanh nghiệp lữ hành lường trước nguy cơ lượng khách quốc tế suy giảm từ giữa năm 2008. Và thực tế khách quốc tế đến Việt Nam có chiều hướng giảm. "Nếu cơ quan quản lý chịu nghe ý kiến doanh nghiệp để nắm sát tình hình thì họ đã đưa ra chỉ tiêu thực tế hơn, nhưng điều đó đã không xảy ra", giám đốc một hãng lữ hành nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét